Mường Toong là xã nội địa của huyện biên giới Mường Nhé, nhiều bản có địa hình chủ yếu là đồi núi phù hợp với trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như Quế, Dổi. Với ưu điểm cho thu hoạch trong thời gian không dài, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và đặc biệt là đem lại giá trị kinh tế cao, cây Quế được xác định là một trong những cây trồng chủ lực để phát triển lâm nghiệp tại xã Mường Toong.
Gia đình anh Thào Seo Sình, bản Huổi Pinh, xã Mường Toong thu hoạch vỏ Quế
Anh Thào Seo Sình, sinh ra và lớn lên tại tỉnh Lào Cai, đến năm 2005 gia đình anh chuyển đến sinh sống tại bản Huổi Pinh, xã Mường Toong. Là người theo đạo Tin lành ngoài việc tin và thực hiện tốt giáo lý và luật lệ của đạo Tin lành anh và bà con theo đạo ở bản luôn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước nhất là thực hiện phát triển kinh tế theo chủ trương của địa phương. Sau nhiều năm năm sinh sống tại đây, anh luôn trăn trở tìm tòi hướng đi mới từ mảnh đất của mình. Nhận thấy điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khá phù hợp với trồng cây quế trên đất bản Huổi Pinh, một bản vùng cao có địa hình chủ yếu đồi núi của xã Mường Toong anh đã anh đã quyết định triển khai trồng quế và khai thác kinh tế từ cây dược liệu này. Khởi đầu với hơn 1ha quế, trong 8 năm, anh Sình đã khai thác dần và tổng diện tích quế gia đình đã trồng đến thời điểm hiện tại hơn 04ha. Anh Thào Seo Sình, Bản Huổi Pinh, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé chia sẻ: “Năm 2016, gia đình tôi sang Lào Cai mua hạt giống Quế về ươm và trồng trên diện tích hơn 1ha, sau nhận thấy cây sinh trưởng phát triẻn tốt, tôi mua thêm cây giống về trồng, tổng diện tích trồng Quế của gia đình hiện tại hơn 4ha, hiện nay có hơn 1ha đã cho khai thác”.
Cũng với gia đình anh Thào Seo Sình, Anh Giàng A Tủa, người dân tộc Mông ở Bản Huổi Pinh, xã Mường Toong cũng là một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng quế. Nhận thấy quế là cây trồng có giá trị kinh tế cao, cách đây hơn 08 năm trước, anh Tủa đã mạnh dạn thí điểm ươm giống và trồng quế tại đất nương của nhà. Sau khi cây quế sinh trưởng, phát triển tốt, gia đình anh đã đầu tư trồng quế trên toàn bộ diện tích đất nương của gia đình.
Xã Mường Toong, là xã nội địa của huyện Mường Nhé. Những năm qua, mặc dù được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhưng cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún nên cái đói, cái nghèo luôn bủa vây. Ông Đoàn Xuân Tứ, Bí thư Đảng uỷ xã Mường Toong, huyện Mường Nhé cho biết: “Để giúp bà con ổn định kinh tế, thoát nghèo, chính quyền địa phương đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng phát huy thế mạnh của địa phương, dựa vào đồi rừng. Trong đó, cây quế được lựa chọn là cây trồng chủ lực. Hiện nay, xã đang khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích đất rừng kém hiệu quả sang trồng quế. Chỉ tính riêng 3 năm gần đây, Bản Huổi Pinh đã có thêm gần 70 hộ chuyển đổi đất đồi trồng ngô, sắn sang trồng quế với diện tích trên 80ha, nâng tổng số diện tích trồng quế của toàn xã Mường Toong lên trên 270ha. Hiện nay, xã Mường Toong cũng đang thực hiện cơ chế khuyến khích, hỗ trợ bà con nông dân mở rộng diện tích trồng quế trên địa bàn, với mục tiêu đạt 700ha vào năm 2035”.

Người dân Bản huổi Pinh, xã Mường Toong cạo vỏ Quế để xuất bán cho HTX Quế
Theo tính toán của người trồng quế, chu kỳ từ khi trồng đến lúc khai thác trắng kéo dài từ 10 đến 15 năm. Loại cây trồng này có lợi thế là ngoài bán vỏ thì phần lá, cành, ngọn cũng được thu mua để chiết xuất tinh dầu và thân cây làm gỗ. Hiện nay, HTX Quế huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cũng đã đến thu mua sản phẩm tại bản Huổi Pinh, xã Mường Toong. Anh Bàn Hữu Thắng, HTX Quế huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái CHO BIẾT: “Để phát triển sản xuất, HTX Quế huyện Văn Yên chúng tôi đã đầu tư nồi chiết xuất tình dầu quế cho bản, đồng thời tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm để tạo chuỗi liên kết bền vững; tạo công ăn việc làm nhiều lao động tại địa phương, công việc chủ yếu là vào bầu quế, chăm sóc vườm ươm, chăm sóc rừng quế, bóc tách vỏ quế và sơ chế tinh dầu quế”.
Hiện nay, diện tích trồng quế trên địa bàn xã Mường Toong chưa nhều, kỹ thuật chăm sóc của người dân cũng còn hạn chế. Nhưng đây thật sự là loài cây rất có tiềm năng phù hợp để người dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình. Vì vậy, việc phát triển, mở rộng diện tích trồng quế trên địa bàn xã thời gian tới là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng phát triển lâm nghiệp bền vững, cấp uỷ, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng quế.
Việc phát triển cây quế không những giúp tận dụng lợi thế của địa phương, người dân về trồng, bảo vệ rừng đi đôi với khai thác, tập trung phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm giảm xói mòn, chống sạt lở và bảo vệ nguồn nước mà còn mang lại giá trị kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương./.
Hoài Thứ