Với đặc thù địa hình đồi núi, diện tích rộng, lực lượng lao động tương đối lớn, vì vậy phát triển chăn nuôi luôn là một thế mạnh đối với huyện Mường Nhé. Tuy nhiên nhiều hộ nông dân vẫn gặp khó khăn trong chăn nuôi do thiếu vốn đầu tư, thiếu kiến thức chăm sóc, phòng tránh dịch bệnh. Để tháo gỡ những khó khăn này, từ năm 2021 đến nay huyện Mường Nhé đã ban hành và triển khai nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung. Qua đó nhận rộng nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chị Hàng Thị Phua, bản Suối Voi, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé chuyển xây dựng mô hình chăn nuôi có chuồng trại
Chị Hàng Thị Phua, bản Suối Voi, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé chia sẻ: Trước đây chưa được tiếp cận kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh, cộng với thiếu vốn đầu tư con giống nên gia đình chị chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, theo hình thức thả rông không đạt hiệu quả. Là 1 trong số 14 hộ được tham gia mô hình chăn nuôi trâu sinh sản do Trung tâm khuyến nông giống cây trồng, vật nuôi tỉnh triển khai, đầu năm 2023, gia đình chị được cấp 1 con trâu nái và được hướng dẫn từ khâu làm chuồng trại, trồng cỏ bổ xung thức ăn và tiêm phòng các loại dịch bệnh theo mùa; chưa đầy 1 năm trâu nái nhà chị đã sin sản lứa đầu tiên. Tham gia mô hình đã giúp gia đình chị nắm bắt được nhiều kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, nhất là việc tiêm phòng dịch bệnh cho vật nuôi, đây là khâu quan trọng mà trước đây gia đình chị cũng như nhiều hộ chăn nuôi chưa thật sự quan tâm.
Ông Chang A Khày, Phó Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn cho biết: Cũng như nhiều xã vũng cao khác của huyện Mường Nhé, mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng việc phát triển chăn nuôi vẫn chậm phát triển do tập quán chăn nuôi của bà con chủ yếu theo hình thức thả rông, đàn gia súc chậm phát triển và hầu như năm nào cũng có tình trạng gia súc chất dó đói, rét hoặc mắc các loại dịch bệnh do không được chăm sóc, tiêm phòng đầy đủ. Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 05 của huyện ủy Mường Nhé về phát triển chăn nuôi với mục tiêu; Phát triển đàn trâu, bò sinh sản và thương phẩm theo hình thức chuyển dần từ chăn thả nhỏ, lẻ sang chăn nuôi bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, tạo mô hình chăn nuôi quy mô phù hợp có năng suất, chất lượng cao gắn với chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, trở thành một trong những đối tượng vật nuôi chủ lực của huyện; tạo sinh kế, bảo đảm đời sống của người chăn nuôi theo hướng phát triển hiệu quả, bền vững. Chính quyền xã cũng đã tăng cường vận động, kết hợp hỗ trợ người dân hình thành và nhân rộng hàng chục mô hình chăn nuôi hiệu quả, có tác động tích cực dần thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân.
Nhiều hộ dân ở huyện Mường Nhé phát triển diện tích trồng cỏ voi để làm thức ăn chăn nuôi
Mặc dù đàn gia súc của huyện Mường Nhé những năm gần đây phát triển tương đối ổn định, hàng năm số lượng đều tăng. Tuy nhiên việc phát triển chăn nuôi gia súc vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Chỉ được ở một số xã như Quảng Lâm, Sín Thầu, Mường Nhé, Nậm Kè, Mường Toong là đàn gia súc phát triển mạnh còn lại các xã khác việc phát triển chăn nuôi gia súc vẫn còn chậm, chưa khai thác hết thế mạnh về phát triển chăn nuôi, đặc biệt là đại gia súc. Nguyên nhân là do người dân chưa ý thức được vai trò và tầm quan trọng của phát triển chăn nuôi trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và trở ngại lớn nhất thiếu vốn đầu tư. Khắc phục những khó khăn bất cập này, thời gian qua, huyện Mường Nhé đưa ra hàng loạt chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả kinh tế trong phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tuyên truyền nhân rộng các mô hình, gia đình tiêu biểu trong phát triển chăn nuôi. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xã hội phối hợp với các ngân hàng ký kết ủy thác, hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, để người dân đẩy mạnh đầu tư phát triển chăn nuôi. Đồng thời ưu tiên, bố trí kinh phí hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi trâu theo hình thức tập trung. Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác tuyên truyền, triển khai, nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi trên địa bàn.
Tính đến thời điểm nay Tổng đàn gia súc của huyện Mường Nhé đạt đạt trên 30.000 con, tỷ lệ tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2023 đạt 2,6% với cùng kỳ. Với chủ chương, định hướng và giải pháp cụ thể trong phát triển chăn nuôi, huyện Mường Nhé đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng được từ 1-3 dự án "lõi" do doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo hướng nuôi nhốt tập trung gắn với chuỗi liên kết sản phẩm; phát triển được 400 nông hộ, gia trại chăn nuôi trâu, bò tham gia chuỗi; hợp tác xã. Tỷ trọng chăn nuôi chiếm khoảng 26% giá trị sản xuất nông nghiệp. trong đó tỷ trọng chăn nuôi trâu, bò chiếm trên 40 % giá trị sản xuất ngành chăn nuôi.
Thanh Tùng